Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Dược thiện giúp dưỡng thai

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ các dưỡng chất, nhân dân ta còn có những món ăn - bài thuốc có tác dụng dưỡng thai, an thai tốt đối với thai phụ yếu mệt, nôn nhiều, ăn kém, chậm tiêu, thai nhi chậm phát triển, dễ sẩy thai, đẻ non... Xin giới thiệu để chị em tham khảo.

Dược thiện giúp dưỡng thai 1Cá chép hầm xích tiểu đậu.

Bài 1: cá chép 1 con khoảng 500g, lạc 30g, xích tiểu đậu 24g, gừng tươi 6 lát. Cá chép làm sạch, bỏ nội tạng, đem rán qua. Lạc và xích tiểu đậu rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, hầm thật nhừ, cho gia vị, ăn nóng.

Bài 2: thịt bò 250g, đảng sâm 30g, hoàng tinh 15g, gừng tươi 4 lát. Chọn thịt bò tươi (hoặc thịt bê) rửa sạch, thái mỏng. Các vị thuốc rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, hầm thật nhừ, cho gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Thai phụ đang bị cảm sốt hoặc đại tiện lỏng, lỵ do thấp nhiệt không nên dùng.

Bài 3: thịt lợn nạc 100g, sâm cao ly 10g, a giao 12g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ cho vào bát, nước vừa đủ, đem hầm cách thủy chừng 2 - 3 giờ là được, cho gia vị, ăn nóng. Dùng thích hợp cho thai phụ bị động thai, thể khí huyết đều hư, hay hồi hộp, đánh trống ngực, âm đạo ra huyết ít, sắc nhợt, lưng đau, gối mỏi. Người đang sốt do cảm mạo hoặc có chứng huyết nhiệt thì không dùng bài này.

Bài 4: thịt gà 250g, cao gạc hươu 15g, sâm cao ly 8g. Thịt gà rửa sạch, lọc bỏ da và mỡ rồi chặt miếng. Sâm cao ly thái phiến, cao gạc hươu cắt vụn. Tất cả đem hầm cách thủy chừng 3 - 4 giờ là được, cho gia vị, ăn vài lần trong ngày. Dùng thích hợp cho thai phụ gầy yếu, tinh thần mệt mỏi, lưng đau gối mỏi...; động thai ra huyết ít và loãng, thiếu máu, thai nhi chậm phát triển. Không dùng cho trường hợp động thai thể huyết nhiệt, biểu hiện các triệu chứng tâm phiền bất an, lòng bàn tay bàn chân nóng, miệng khô họng khát, mặt đỏ, môi hồng, âm đạo ra huyết màu đỏ tươi hoặc đỏ tía, có thể có máu cục, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, ít rêu.

Bài 5: trứng gà 2 quả, ngải cứu 20g. Trứng gà luộc chín, bóc bỏ vỏ, lá ngải cứu rửa sạch. Hai thứ cho vào nồi, chế đủ nước, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa chừng 1 - 2 giờ, cho gia vị, ăn liên tục 7 - 8 ngày. Dùng thích hợp cho thai phụ có chứng hư hàn như sợ lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, hay có cảm giác khó thở hồi hộp, đánh trống ngực, miệng nhạt, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, dễ sẩy thai, âm đạo ra huyết, lượng ít, sắc nhợt. Trường hợp động thai thể huyết nhiệt không dùng bài này.

Lương y Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bà bầu sắp sinh cần tránh làm gì trong dịp Tết?

Lưu ý về an toàn thực phẩm Ngày Tết, các gia đình có thói quen mua sắm, tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh với số lượng lớn để ăn uống, tiếp đ...